TÌNH HỮU NGHỊ, ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT VIỆT NAM – LÀO

14424

 Mai Văn Tám – Phòng CTCT-QLNH

Việt Nam và Lào là hai trong số sáu quốc gia thuộc bán đảo Đông Dương. Hai nước có chung đường biên giới trên bộ dài hơn 2.300 km trải dài từ tỉnh Điện Biên đến tỉnh Kon Tum. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của mỗi quốc gia, hai nước luôn có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thời kỳ nhà Lý mới thành lập, Lào còn ở trong giai đoạn các bộ tộc do các thủ lĩnh đứng đầu, một dạng nhà nước sơ khai. Quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt và Lào được sử sách ghi nhận lầu đầu vào năm 1067, Ai Lao (tên gọi Lào khi đó) dâng vàng bạc, trầm hương, sừng tê, ngà voi và các thứ sản vật địa phương.

Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, lịch sử quan hệ Việt Nam – Lào chuyển sang một trang mới. Cả hai quốc gia không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện. Nhân dân hai nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và sau này là Đảng của mỗi nước, đã làm nên những chiến công chói lọi trong lịch sử hai dân tộc và đi vào lịch sử thế giới như một biểu tượng sáng ngời về tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, một tấm gương mẫu mực và hiếm có về sự thủy chung, trong sáng trong lịch sử quan hệ quốc tế.

Tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai Đảng, hai nước Việt-Lào và sự gắn bó thủy chung, keo sơn giữa dân tộc Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phom-vi-hản trực tiếp gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai nước, cùng nhân dân hai nước quý trọng, nâng niu và dày công vun đắp. Trải qua nhiều giai đoạn và biến cố của lịch sử, mối quan hệ Việt-Lào được tôi luyện và hun đúc bằng công sức và xương máu của biết bao anh hùng liệt sỹ, bằng sự hy sinh phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Lào và đã thực sự trở thành mối quan hệ truyền thống, rất đặc biệt, rất thủy chung và trong sáng. Năm 1963, trong buổi tiếp Hoàng thân Souvana Phouma, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào và Hoàng thân Souphanuvong, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc mấy vần thơ tâm huyết:

“Bấy lâu cách trở quan hà;
Từ nay Lào – Việt rất là gần nhau.
Thương nhau mấy núi cũng trèo;
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt – Lào hai nước chúng ta;
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Chủ tịch Cay-xỏn Phom-vi-hản đã từng nói: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như vậy”.

Trong thời kỳ đấu tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, hai nước đã thành lập Liên quân Việt – Lào để cùng chung sức chiến đấu chống kẻ thù chung. Những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên đã sang Lào cùng chiến đấu sát cánh bên lực lượng vũ trang Pa-thét Lào. Hình ảnh những người lính trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng đã phần nào mô tả được những khó khăn, gian khổ mà nhân dân hai nước đã trải qua trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc.

Thời kỳ sau đó, tinh thần đoàn kết Việt Nam – Lào lại càng được hun đúc và tôi luyện hơn khi hai nước hỗ trợ nhau trên các mặt trận quân sự và đối ngoại, làm thất bại âm mưu phá hoại và tiến hành chiến tranh do chủ nghĩa thực dân mới gây ra. Ngày 5-9-1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Dãy Trường Sơn hùng vĩ với hai nửa Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây đã trở thành hình ảnh sinh động của mối quan hệ keo sơn “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong những năm tháng gian khổ nhưng đầy vinh quang, cùng góp phần to lớn giúp nhân dân và các lực lượng vũ trang hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa Xuân 1975 tại Việt Nam và Chiến thắng ngày 2-12-1975 tại Lào.

Tỉnh Sơn La nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, có 250 km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, điều kiện tự nhiên, xã hội có nhiều nét tương đồng với các tỉnh Bắc Lào. Đây là điều kiện để Sơn La tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với 9 tỉnh Bắc Lào gồm: Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Bò Kẹo, U Đôm Xay, Phông Sa Lỳ, Luông Nặm Thà, Xay Nhạ Bu Ly, Xiêng Khoảng, Xay Sổm Bun.

Trong giai đoạn 2001-2012 quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào không ngừng được mở rộng, phát triển. Tỉnh Sơn La còn chủ trương tạo điều kiện để các huyện trong tỉnh tổ chức kết nghĩa và hợp tác với các huyện bạn. Hiện đã có 8 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La ký kết hợp tác với 5 huyện của tỉnh Hủa Phăn, 2 huyện của tỉnh Luông Pha Băng và 1 huyện của tỉnh U Đôm Xay. Theo đó, định kỳ 2 năm/lần, tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động phối hợp phòng chống ma tuý qua biên giới giữa 6 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An (Việt Nam) và Hủa Phăn, Luông Pha Băng ( Lào). Hội nghị hợp tác Quốc hội Việt Nam – Lào đoàn kết, hữu nghị do Quốc hội hai nước tổ chức tại thành phố Sơn La vừa qua càng tô đậm thêm tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào.

Đóng lại địa bàn tỉnh Sơn La, từ năm 1984, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc nay là Trường Đại học Tây Bắc đã bắt đầu đào tạo Lưu học sinh Lào của tỉnh Hủa Phăn. Từ năm 2015 đến nay Trường Đại học Tây Bắc đã ký kết hợp tác đào tạo tiếng Việt, đào tạo đại học và sau đại học với 9 tỉnh Bắc Lào. Hàng nghìn Lưu học sinh Lào đã và đang học tập tại Trường, góp phần làm tô thắm hơn mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai đất nước và nhân dân hai nước.

Lưu học sinh Lào học tập trong thư viên Trường Đại học Tây Bắc

Kỷ niệm 44 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ và Nhân dân Lào, Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, trong đó có cuộc thi “Tìm hiểu nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc Lào và tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào” cho Lưu học sinh Lào. Đây là cuộc thi nhằm giúp Lưu học sinh Lào tôn vinh và quảng bá những nét đẹp trong văn hóa, trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc Lào đến cán bộ, giảng viên và sinh viên Việt Nam. Cuộc thi cũng là dịp để các em thể hiện khả năng sử dụng tiếng Việt trong nghiên cứu khoa học, trong giao tiếp và thuyết trình.

Sơn La, tháng 11 năm 2019