TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC THAM DỰ NGÀY HỘI KHỞI NGHIỆP QUỐC GIA CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN 2019

708
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC THAM DỰ
NGÀY HỘI KHỞI NGHIỆP QUỐC GIA CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN 2019
(SV-STARTUP 2019)

Lê  Thơm – Chuyên viên Phòng CTCT-QLNH

Sáng ngày 5/10/2019, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội diễn ra Lễ Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 (SV-STARTUP 2019) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên 2019 (SV-STARTUP 2019) diễn ra trong 02 ngày 4, 5/10/2019.

Tới dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Vũ Đức Đam – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; GS.TS Phùng Xuân Nhạ – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Nguyễn Chí Dũng – Ủy viên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội; Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương, thành phố Hà Nội; các trường đại học, sở GD&ĐT và đại diện hơn 1000 HSSV cả nước về tham dự.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận và chúc mừng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia triển khai Đề án 1665 trong 2 năm qua và đạt được những kết quả bước đầu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tất cả các trường đại học phải có ít nhất một không gian làm việc chung cùng nhau chia sẻ học liệu trên môi trường mạng, để từ đó lan tỏa tri thức, đóng góp hữu ích nhất cho các bạn sinh viên khởi nghiệp. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, triển khai Đề án này không phải để tạo ra nhiều startup hay tỷ phú mà để trang bị kiến thức cho HSSV về khởi nghiệp, cao hơn nữa là tạo kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.

Tại Ngày hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong mỗi nhà trường, đồng thời mong muốn, tới đây, các doanh nghiệp không chỉ tham gia hỗ trợ nhà trường thông qua hoạt động tài trợ mà còn hợp tác sâu hơn trong thiết kế chương trình giảng dạy, tham gia tổ chức giảng dạy. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ kết nối, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành để triển khai các đề án lớn của Chính phủ như Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, tạo thêm nhiều cơ hội cho HSSV khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nắm bắt và tận dụng được lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…


                             Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đại biểu bấm nút khởi động
                                        Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019

Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Một số hoạt động chính: “Kinh nghiệm từ các doanh nhân khởi nghiệp”; Hội thảo “Định hướng trường đại học khởi nghiệp: Mô hình nào cho các trường đại học tại Việt Nam”; Hội thảo “Công tác hỗ trợ học sinh khởi nghiệp trong các trường phổ thông, kinh nghiệm và giải pháp”.


                                          Hội thảo “Định hướng trường đại học khởi nghiệp”

Điểm nhấn của Ngày hội là vòng Chung kết Cuộc thi SV-STARTUP 2019 với  ý tưởng khởi nghiệp năm 2019. Cuộc thi SV-STARTUP 2019 dành cho HSSV từ 16-24 tuổi, được tổ chức với quy mô trên toàn quốc với sự tham gia của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và THPT. Tham gia Cuộc thi với tổng số gần 300 dự án tham gia dự thi, trong đó có 68 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết.

Tại Cuộc thi SV-STARTUP 2019 này, Trường Đại học Tây Bắc là một trong số các trường đại học trong cả nước gửi ý tưởng tham dự Cuộc thi với 02 dự án: Dự án Chế tác mỹ nghệ, dụng cụ từ đá cuội của sinh viên Lê Hữu Phúc – K57 Đại học Kế toán; Dự án Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc Thái thông qua chuỗi giá trị tỏi tại xã  Chiềng Đông – Yên Châu của sinh viên Hoàng Thị Hạnh – K58 Đại học Giáo duc Mầm non A.

Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích cho các dự án khối sinh viên; trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải khuyến khích cho các dự án khối học sinh phổ thông. Ban tổ chức cũng trao giải cho 2 gian trưng bày dự án ấn tượng nhất, cụ thể:

Khối sinh viên:

Giải Nhất (100 triệu đồng): Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

2 Giải Nhì (60 triệu đồng): Sản phầm cao cấp từ hoa thanh long – Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; Open Lab – Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

3 Giải Ba (40 triệu đồng): Bộ xét nghiệm nhanh Formol trong thực phẩm – Trường Đại học Thủ Dầu Một; Save Blood – Đại học Huế; UPBEAT – Ứng dụng di động thử thách vận động và fitness Việt Nam – Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

4 Giải khuyến khích (10 triệu đồng): Hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chuẩn đoán các bệnh về da – Đại học Quốc tế Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Bột tảo nguyên liệu – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành Thành phố Hồ Chí Minh; Sản xuất và kinh doanh quầ n áo bảo hộ lao động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; Thiết bị giao tiếp Multi Glass – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Không gian trưng bày xuất sắc nhất (10 triệu đồng): Sản xuất và kinh doanh quần áo bảo hộ lao động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa – Trường Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.

Khối học sinh phổ thông:

Giải Nhất (50 triệu đồng): Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nano Resveratrol – Trường THCS & THPT Quốc tế Thăng Long, THPT Phan Đình Phùng, THPT Việt Đức, Thành phố Hà Nội.

1 Giải Nhì (30 triệu đồng): Sản xuất, kinh doanh màng bọc thực phẩm đa năng thân thiện thay thế túi nilon – Trường THPT Nguyễn Khuyến, tỉnh Nam Định.

1 Giải Ba (15 triệu đồng): Máy làm sạch bề mặt đáy ao nuôi tôm – Trường THCS Tân An, tỉnh Quảng Ninh.

2 Giải khuyến khích (5 triệu đồng) : Green of life – THPT Võ Văn Kiệt – Kiên Giang; Mô hình máy bay không người lái – Trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Điện Biên.

Không gian trưng bày xuất sắc nhất (10 triệu đồng): Nến thơm từ nguyên liệu tự nhiên – Trường THPT Trần Quốc Tuấn, tỉnh Thái Nguyên.

Hoà chung với tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong cả nước, hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc trong những năm qua đã được Nhà trường quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Nhiều ý tưởng, chương trình, dự án được triển khai, bước đầu đã khẳng định được vai trò của công tác khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên. Trong năm học 2019 – 2020, Nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện công tác khởi nghiệp để hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được triển khai sâu rộng, tạo môi trường làm việc chung để người cố vấn (Mentor) và người được cố vấn (Mentee) có thể trao đổi, nghiên cứu, học hỏi, giao lưu với hy vọng sẽ có nhiều ý tưởng, chương trình, dự án được triển khai thiết thực hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và cộng đồng.