QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ “HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH”

1195

TS. Dương Văn Mạnh – Trưởng phòng CTCT-QLNH

      Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nền giáo dục của nước nhà và việc học hành của người dân. Tiếp nối truyền thống của dân tộc, Người luôn coi việc “dạy người là kế sách trọn đời”, coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Người nhấn mạnh: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Vì thế, nền giáo dục mới phải đào tạo nên những người vừa hồng vừa chuyên. Người cũng chỉ rõ phương pháp để đào tạo nên những người có đủ đức – tài là: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội!”.

      * Quan điểm về “Học”

      Hồ Chí Minh cho rằng, “Học” là một hoạt động nhận thức tích cực, là quá trình tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, các phẩm chất văn hoá – đạo đức… một cách tích cực, toàn diện và thường xuyên của mỗi người. Tính tích cực của việc học thể hiện ở chỗ học không chỉ để hiểu biết, dừng lại ở hiểu biết mà thông qua học, cá nhân trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết để hình thành nhân cách, năng lực phù hợp với yêu cầu của hoạt động thực tiễn. Để giúp cho thế hệ trẻ xác định đúng động cơ học tập, Người đã vạch ra ý nghĩa cách mạng của việc học tập đối với mỗi người và coi học tập là nghĩa vụ xã hội, nghĩa vụ đạo đức. Theo Người, học trong nhà trường XHCN là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” [1]“Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hoá đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết… Để xây dựng chủ nghĩa xã hội”[2]. Trên cơ sở xây dựng động cơ, mục đích học tập đúng, Người yêu cầu phải học toàn diện, “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học trong nhân dân”, “học trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như trong việc nhỏ”. Học là quyền lợi, là trách nhiệm của mỗi người dân. Theo Người: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” [3].

      * Quan điểm về “Hành”

      Theo quan điểm của Hồ Chí Minh “Hành”, là thực hành, là làm việc. “Hành” là sự vận dụng những điều đã học để  giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. “Hành” là con đường duy nhất, hiệu quả nhất, là mục tiêu cuối cùng của học tập. Trong quá trình học tập “hành” có tính chất toàn diện với mức độ khác nhau. “Hành” là sự vận dụng những tri thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn để giải quyết bài tập, vận dụng vào hoạt động lao động sản xuất, cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân mình. Đó còn là sự vận dụng tri thức đã học để tổ chức cuộc sống của mình, của môi trường xung quanh mình, làm cho nó trở nên phong phú, đẹp đẽ. Đối với Người, “Hành” cao nhất là hành động cách mạng, có tác dụng cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội, thông qua đó mà cải tạo bản thân mình. Muốn hành động cách mạng luôn đúng đắn thì “khi trở về làm việc, cần phải áp dụng những điều đã học cộng với kinh nghiệm của mình vào công việc thực tế một cách khôn khéo, mềm dẻo, phù hợp với hoàn cảnh chứ không nên máy móc”[4],  “Hành” không chỉ những việc to lớn mà cả những việc bình thường, ai cũng có thể làm được. “Hành” có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa cách mạng rất lớn, có tác dụng hình thành con người với tư tưởng, tình cảm và hành vi cao đẹp, góp phần vào sự nghiệp chung của tập thể, của cộng đồng dân tộc Việt Nam, có tác dụng hình thành cho con người tư tưởng cao cả, tình cảm và hành vi đẹp đẽ, để góp phần vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Như vậy, theo Người “Hành” không chỉ hiểu như vận dụng tri thức đã học, mà còn tạo ra nguồn tri thức, là biện pháp rèn luyện con người toàn diện, và khi kết luận đã được rút ra thành chân lý thì quyết tâm thực hiện những điều đã học.

      * Quan điểm về “ Học đi đôi với hành”

      Xuất phát từ mối quan hệ biện chứng lý luận gắn với thực tiễn, Hồ Chí Minh cho rằng, học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy. Việc học tập lý luận và hành động cách mạng cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ. Người lưu ý “lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng… Hoạt động sản xuất là nền tảng của thực hành, nó quyết định tất cả các hoạt động khác… muốn hiểu biết lý luận và phương pháp cách mạng, phải thực hành tham gia cách mạng…” [5]. Không tách rời việc học chữ với lao động chân tay, không tách rời trí thức với quần chúng lao động. Có kiến thức là quý, nhưng chỉ thực sự quý khi kiến thức ấy phục vụ cho dân, cho nước. Để gắn học với hành, Người đã chỉ ra một cách cụ thể về việc vận dụng phương thức học đi đôi với hành: “ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo, v.v., có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến…” [6], “các em sẽ phải vừa làm vừa học, nghiên cứu không những trong sách vở mà ngay trong những công tác của mình” [7].  Phải biến những điều đã học thành hành động cách mạng thực tế. Học phải đi đôi với hành, chứ không phải học để nói suông”. Có thể nói, quan điểm giáo dục “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho nền giáo dục nước nhà, cho quá trình đào tạo đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” cho đất nước; học đi đôi với hành là mục tiêu, nguyên lý, phương pháp, phương châm dạy và học của nền giáo dục nước nhà.

      Quan điểm giáo dục “học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận rất quan trọng trong kho tàng lý luận về giáo dục; học đi đôi với hành là mục tiêu, nguyên lý, phương pháp dạy và học của nền giáo dục nước nhà. Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong Trường Đại học Tây Bắc, đòi hỏi mỗi nhà giáo, học sinh, sinh viên và học viên cần có nhận thức sâu sắc, có thái độ đúng đắn về “học đi đôi với hành” của Hồ Chí Minh và coi đó là mục tiêu, nguyên lý, phương pháp của quá trình dạy và học. Việc mỗi cá nhân học tập và làm theo tư tưởng “học đi đôi với hành” là cách thức góp phần làm cho phương châm “học đi đôi với hành” của Người luôn sống mãi trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta.

    * Tài liệu tham khảo:

      1. Lương Gia Ban (Chủ biên), Góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và đổi mới các nội dung chương trình các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002

      2. Hồ Chí Minh toàn tập, t.5 (1995), Nxb CTQG, Hà Nội, tr.684

      3. Hồ Chí Minh toàn tập, t.13, tr.269-270, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011

      4. Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, tr.40, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.

      5. Hồ Chí Minh toàn tập, t.7, tr.179-181, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.

      6. Hồ Chí Minh toàn tập, t.7, tr.120-130, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.

      7. Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, tr.527-528, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.