Những chữ cái đầu tiên của lưu học sinh Lào trên đất Việt

1347
Vào thời gian này, nếu vị khách phương xa nào đó đến thăm Trường Đại học Tây Bắc thì sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi thanh âm vang xa từ lớp Dự bị Tiếng Việt dành cho Lưu học sinh Lào. Từ sáng đến chiều, các thầy cô giáo Khoa Ngữ văn và các em Lưu học sinh miệt mài dạy và học Tiếng Việt.Trong năm học 2018 – 2019, Trường Đại học Tây Bắc vinh dự và tự hào được đón nhận 133 Lưu học sinh Lào, trong đó có 99 em học Tiếng Việt và được biên chế thành 4 lớp. Phải khẳng định rằng, lượng Lưu học sinh đông đảo nói trên là một thông số cho thấy tâm sức to lớn của tập thể Ban Giám hiệu, Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Phòng Đào tạo Đại học, Phòng Công tác Chính trị và Quản lý người học, các Phòng, Khoa ban liên quan khác trong quan hệ hợp tác quốc tế và đào tạo.

lao23.10.18

Ảnh 1- 2: Lưu học sinh Lào trong giờ học Tiếng Việt

Theo kế hoạch của Nhà trường, khóa học sẽ bắt đầu từ ngày 08/10/ 2018 đến ngày 18/08/2019. Đa số thời gian trong năm học Lưu học sinh Lào sẽ học Tiếng Việt, phần thời gian còn lại, từ tháng 01/7/2019, các em sẽ học thuật ngữ chuyên ngành, sau đó sẽ ôn và thi kiểm tra đánh giá năng lực.

Việc trực tiếp giảng dạy phân môn Tiếng Việt hoàn toàn do các thầy cô giáo của Khoa Ngữ văn đảm nhiệm. Mỗi lớp có 3 giảng viên trực tiếp giảng dạy. Trong số 3 giáo viên đó sẽ có một cô giáo đảm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm. Danh sách chủ nhiệm bao gồm các cô giáo: Trần Lan Anh, Lê Thị Hà, Hà Thị Mai Thanh, Nguyễn Thị Lan Phương.

Tính đến ngày 20 tháng 10 năm 2018, Lưu học sinh đến từ “đất nước triệu voi” mới học tiếng Việt được 02 tuần. Người ta thường nói: Vạn sự khởi đầu nan. Nhưng có lẽ, câu nói của cổ nhân ấy chưa hoàn toàn chính xác với tình hình dạy và học của Thầy và Trò. Các em Lưu học sinh Lào đã nhanh chóng nhập cuộc cả về ngôn ngữ và văn hóa. Hàng ngày, các em sử dụng tối đa thời gian cho việc học tiếng Việt. Tâm thế đó khiến cho các thầy cô giáo Khoa Ngữ văn phần nào vơi bớt âu lo trong việc đào tạo. Các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết đã dần hình thành mỗi giờ học.

Ảnh 3-4: Giảng viên và Lưu học sinh Lào trong một buổi học Tiếng Việt

Đối với công tác giảng dạy Tiếng Việt, mỗi giảng viên luôn xác định rằng, đây là một nhiệm vụ chính trị to lớn. Trong niềm vui giảng dạy, chúng tôi xác định công việc mình làm đang dung dưỡng tâm huyết và công sức của tập thể cán bộ Nhà trường. Vì vậy, mỗi trang giáo án, mỗi lời giảng đều được trau chuốt, rèn mài để Tiếng Việt trở nên đơn giản và luôn dễ nhớ, dễ thuộc. Tất cả niềm yêu thương, kì vọng của thầy và trò đều được gửi lại nơi giảng đường bụi phấn.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, sau mỗi giờ lên lớp, các giảng viên Khoa Ngữ văn lại luôn sát cánh bên các em trong những hoạt động văn hóa,văn nghệ thể thao. Dường như, những học trò của chúng tôi đã cảm nhận được sự ấm áp tình người ở mái trường này. Vì vậy, những bỡ ngỡ lạ thầy, chưa quen bạn thuở ban đầu đã lùi lại phía sau, nhường chỗ cho sự thân tình, gần gũi.

Ảnh 5: Hoạt động sau giờ lên lớp

Ở những lớp học của chúng tôi hôm nay, dù khái niệm thế nào là tiếng Việt mới bắt đầu được gieo trồng, nhưng tiếng cười không ngớt. Chúng tôi đã và đang gieo trồng những niềm tin trên mảnh đất của tri thức, đợi ngày hái quả. Chúng tôi tin tưởng rằng, với những chính sách tích cực, sự tận tâm và đam mê đổi mới của Ban Giám hiệu, của các Phòng, Ban, Khoa, chương trình đào tạo tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào sẽ đem lại kết quả thắng lợi ở ngày mai. Kết quả đó sẽ là bông hoa ngàn hương sắc để tình đoàn kết Việt Lào – hai nước anh em ngày càng bền chặt.