HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY BẮC VIỆT NAM

529

Giàng Tụa – Chuyên viên Phòng CTCT – QLNH

Sáng Chủ nhật, ngày 04/10/2020 tại Hội trường A2, Trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc Việt Nam.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có: PGS.TS. Lưu Thế Anh – Viện trưởng Viện tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Vũ Anh Sơn – Phó Viện trưởng Viện tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Phan Kế Lộc – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Văn Cừ – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Ngọc Thạch – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Phan Ngữ – Phó Chủ tịch kiêm hiệp hội các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Sơn La; Ông Lê Thúy Kiên – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sơn La; Ông Lừ Văn Nghiệp – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La. Về phía Trường Đại học Tây Bắc có: TS. Đoàn Đức Lân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; NGƯT.TS. Đinh Thanh Tâm – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Triệu Sơn – Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Tây Bắc. Ngoài ra còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cán bộ, sinh viên, học viên quan tâm và truyền thông trên địa bàn tỉnh.

Khai mạc Hội thảo, NGƯT.TS. Đinh Thanh Tâm – Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc đã thay mặt Nhà trường phát biểu chào mừng sự hiện diện của các vị đại biểu, các nhà khoa học, các thầy, cô và các em học viên, sinh viên đã đến dự và cổ vũ Hội thảo. Đồng thời, đồng chí đã giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành, phát triển của Nhà trường và những thành tựu của thầy, trò Nhà trường các thế hệ trong suốt 60 năm qua. Đối với vùng Tây Bắc, đồng chí khẳng định: Tây Bắc là một trong những địa chiến lược quan trọng của nước Việt Nam, nơi đây có bản sắc văn hóa độc đáo, đa thành phần dân tộc, có nhiều tiềm năng thiên nhiên cho việc phát triển kinh tế xã hội; những năm gần đây Sơn La đã trở thành vùng cung cấp cây ăn quả đứng thứ 2 trên cả nước. Tuy nhiên, vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chậm; nhiều giá trị văn hóa tinh thần bản địa đang đứng trước nguy cơ mai một, tai biến của thiên nhiên gia tăng ảnh hưởng đến quan hệ sản xuất, an ninh khu vực. Do vậy, để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Bắc, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo sự cân bằng, tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Tây Bắc và 35 năm xây dựng và phát triển Viện tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tây Bắc đã phối hợp với Viện tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Hội thảo là diễn đàn để cho các nhà khoa học, các nhà quản lý và các chuyên gia được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kết quả nghiên cứu, thảo luận, đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

Sau phần khai mạc, Hội thảo cũng được nghe phát biểu chào mừng và ý nghĩa của Hội thảo của PGS. TS. Lưu Thế Anh – Viện trưởng Viện tài nguyên và Môi trường. PGS.TS khẳng định: Đây là sự kiện quan trọng đầu tiên cụ thể hóa chương trình hợp tác toàn diện giữa Trường Đại học Tây Bắc và Viện Tài nguyên, Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm và 35 năm hình thành và phát triển của Viện Tài nguyên và Môi trường. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; nền kinh tế tăng trưởng nhưng chưa thật sự bền vững, chưa thực hiện được tốt việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng, xã hội, chưa phát huy được lợi thế trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế; nguy cơ ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái đa dạng sinh học ngày một gia tăng; xuất hiện những vấn đề an ninh, phi truyền thống, tiếp tục thụ động trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước ta đã xác định nhiệm vụ chuyển đổi mô hình phát triển dựa vào khai thác thô nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, năng suất thấp, ô nhiễm môi trường sang mô hình phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau nhằm chuyển nền kinh tế từ kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh; quán triệt và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững và được lồng ghép trong các chương trình chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Quốc gia, của vùng và các địa phương nhằm hướng tới cải thiện sức khỏe, đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó thành công thiên tai và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp và khó lường. Đặc biệt, cần tăng cường sức đề kháng và sức chống chịu cho nền kinh tế và các hệ thống xã hội. Tây Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Sự phát triển của vùng Tây Bắc đóng vai trò quyết định và đảm bảo sự phát triển bền vững của đồng bằng Bắc bộ và của cả nước… Xuất phát từ vai trò và ý nghĩa đó, đòi hỏi trách nhiệm quốc gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học phải tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về lý luận phát triển bền vững trong tình hình mới. Đánh giá và tổng kết thực hiện việc phát triển của Tây Bắc, luận giải đề xuất các giải pháp nhằm góp phần giải quyết căn cơ, hiệu quả những vấn đề đang đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Tiếp đến, Hội thảo được nghe lần lượt các nội dung nghiên cứu của các nhà khoa học gồm: 1. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa tai biến ở quy mô cấp huyện cho vùng núi Tây Bắc trên cơ sở tích hợp địa thông tin và công nghệ đa phương tiện do GS.TS. Nguyễn Ngọc Thạch, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày; 2. Phát triển du lịch bền vững: Một nghiên cứu về khả năng phục hồi của cộng đồng đối với du lịch cộng đồng ở nông thôn Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Phương Nga, Trường Đại học Phenikaa trình bày trước Hội thảo; 3. Sâm Lai Châu do GS.TS. Phan Kế Lộc, Viện Tài nguyên và Môi trường trình bày; 4. Thực trạng quản lý tài nguyên rừng vùng Tây Bắc Việt Nam do TS. Vũ Đức Toàn, Trường Đại học Tây Bắc trình bày; 5. Đánh giá hiệu quả và tiềm năng các hoạt động REDD+: Nghiên cứu điển hình tại xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, Việt Nam do ông Vũ Văn Tuân, Dự án SNRM tỉnh Sơn La trình bày; 6. Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ – cơ hội phát triển cà phê bền vững do ThS. Nguyễn Thị Vân, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc, Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc trình bày.

Mỗi đề tài được trình bày tại Hội thảo đều nhận sự góp ý, thảo luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, thầy, cô trong hội trường để các đề tài nghiên cứu đầy đủ hơn; quan trọng hơn là những người tham gia Hội thảo nắm bắt, biết được những thông tin, kiến thức từ các đề tài nghiên cứu liên quan đến vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường để có cái nhìn cụ thể về bức tranh toàn cảnh của khu vực Tây Bắc, từ đó có những hướng đi, giải pháp, cách thức bảo vệ tài nguyên, môi trường theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Đặc biệt, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường được nâng cao.

Hội thảo đã diễn ra thành công, tốt đẹp!

Một số hình ảnh tại Hội thảo.

NGƯT.TS. Đinh Thanh Tâm – Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc phát biểu khai mạc

 

PGS.TS. Lưu Thế Anh – Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường phát biểu chào mừng

 

GS.TS. Nguyễn Ngọc Thạch – Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày báo cáo khoa học

 

Nguyễn Thị Phương Nga – Trường Đại học Phenikaa trình bày báo cáo

 

GS.TS. Phan Kế Lộc – Viện Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo

 

Quang cảnh Hội trường, nhà khoa học đang góp ý cho bài báo cáo

 

NGƯT.TS. Đinh Thanh Tâm tặng quà các nhà khoa học báo cáo đề tài

 

Đoàn Đức Lân – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tây Bắc phát biểu kết luận Hội thảo

 

Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm với Nhà trường.